Thế nào là thành công?
Mấy
năm trước, tôi được đọc một tiểu thuyết Pháp mà tôi đã quên tên tác giả, chỉ còn
nhớ nhan đề là J'aurai
un bel enteưement (Tôi sẽ có một đám ma lớn). Văn chương tầm thường nhưng câu
chuyện hơi lý thú. Nhân vật chính là thầy ký một ngân hàng. Thầy siêng năng,
không chơi bời nhưng không biết nịnh người trên, không có phe đảng nên không được
cất nhắc, giữ hoài chân thư ký quèn mà lương chỉ đủ sống một cách rất eo hẹp.
Thầy buồn rầu, làm việc một cách chán nản, cho rằng đời mình đã hết hy vọng.
Rồi
bỗng một buổi chiều, khi thầy sửa soạn ra về thì thấy ở mặt sàn có một ngân phiếu
vô ký danh không biết của ai đánh rớt. Thầy lượm lên, định hôm sau giao cho chủ
để ai tới hỏi sẽ trả. Nhưng đêm đó, số tiền lớn ghi trên ngân phiếu làm thầy trằn
trọc: thầy nửa muốn trả, nửa muốn giữ. Thầy tưởng tượng nếu giữ để lãnh, thầy sẽ
giàu, có vốn làm ăn, và nếu Trời cho phát đạt, sẽ có danh vọng, khi chết sẽ có
một đám ma lớn. Thầy phân vân trong một tuần lễ, sau không thấy ai lại tìm, thầy
nhất định đem lãnh tiền.
Từ
đó, thầy giao du rộng, học cách đầu cơ, trở nên quỷ quyệt, chẳng bao lâu giàu lớn;
muốn có thanh danh, thầy vung tiền ra tranh được một ghế nghị sĩ trong Hạ nghị
viện. Khéo đầu cơ chính trị, thầy lên như diều, được bầu vào Nguyên lão nghị viện,
uy quyền hống hách, thầy càng xoay tiền dữ, mua cổ phần trong các kỹ nghệ lớn,
được chính phủ tặng huy chương và báo chí hết lời ca tụng. Khi thầy chết, Tổng
thống đi đưa ma, lính
bồng
súng theo tới huyệt, hàng trăm nhà tai mắt trong nước đều trầm mặc đi sau linh
cữu. Quả là một đám tang lớn. Mộng của thầy đã thực hiện được: thầy đã thành
công rực rỡ. Đời này, biết bao kẻ thành công như vậy. Nhưng tôi biết rằng bạn
cho thành công cách ấy thì chẳng thà thất bại như Khổng Tử hoặc Giêsu, một vị
đi lang thang hết nước này qua nước khác mà không vua chúa nào chịu dùng, một vị
bị đóng đinh trên thập ác giữa hai tên ăn trộm trên đỉnh núi
Golgotha. Chúng ta hiểu tiếng thành
công theo một nghĩa khác.
Thành công là dùng những phương
tiện lương thiện mà đạt được mục đích của mình, một mục đích tuy người thay đổi
song không khi nào ti tiện. Kẻ có tài cao chí lớn thì mong làm vẻ vang cho đồng
bào, cho xã hội, cho nhân loại; kẻ tài thấp chí nhỏ thì mong giúp ích được phần
nào cho nhà, cho nước, thấy đức hạnh và năng lực của mình tăng tiến mỗi năm một
chút, và tìm được ít nhiều thoa mãn trong lương tâm. Hiểu theo nghĩa ấy thì Khổng
Tử và Giêsu không phải là những kẻ thất bại mà chính là những bực thành công của
muôn thuở.
Nguyễn Hiến Lê
0 nhận xét:
Đăng nhận xét